Tiếng Gọi Trong Mơ
Phan_10
Nhận miếng thơm vàng ươm bà Nhàn đưa, Trường cắn ăn nhỏ nhẹ thứ trái cây có nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại rất bình dân cho đến khi hết mới khẽ chia tấm hình:
– Thưa bác cháu muốn hỏi cô này là ai?
Mới đầu bà Nhàn không lưu ý, song khi nhìn kỹ bà đã giật nẩy người để lộ sự thảng thốt trước mặt Trường:
– Sao ... sao ... cháu ... lại có nó?
Thái độ của bà Nhàn đã làm cho Trường biết rằng giữa hai người đã từng có mối quan hệ với nhau. Nhưng sao bà Nhàn lại hốt hoảng thế kia? Phải chăng bà đã làm điều xấu như trong mơ hồn ma cô gái kia đã nói cho Trường biết?
Trường chờ đợi sự giải thích của bà Nhàn rất lâu:
– Cháu muốn hỏi nó để làm gì?
Trường thành thật mặc dù anh hiểu diễn biến của câu chuyện khác phức tạp:
– Thưa bác ... thật tình thì cháu không hề biết gì về cô gái này ngoại trừ tấm hình vừa nhặt được ở hộc tủ. Có một điều lạ là cháu luôn mơ thấy cô ta kể từ khi đến đây ở.
Sắc mặt của bà Nhàn thay đổi liên tục theo từng lời nói của Trường, dường như bà còn bị xúc động mạnh nên phát âm nghe nghèn nghẹn:
– Vậy ... ư?
Trường nói tiếp:
– Lần đầu tiên cháu còn bị cô ta đuổi, bảo đó là phòng của cô ta.
Ánh mắt của bà Nhàn chợt rưng rưng:
– Vẫn là nằm mơ sao?
– Vâng ... nằm mơ nhưng giống hệt ngoài đời.
– Cháu bảo giống ở chỗ nào?
Trường chỉ vào khuôn mặt trong tấm hình:
– Cả hai y như một bác ạ.
Bây giờ bà Nhàn mới chịu thố lộ điều mà Trường muốn biết sau một cái hắng giọng nho nhỏ:
– Nó là con riêng của chồng bác. Nó đã chết vì một chứng bệnh nan y ...
Trường bỗng buột miệng kêu lên:
– Sao cô ta một mực bảo mình bị giết?
Thần sắc bà Nhàn từ xanh chuyển thành xám. Bà nói như một người bị hết hơi:
– Nó đã nói ... như vậy ... à?
Trường cắn nhẹ vào môi tìm lời xoa dịu cơn xúc động của bà Nhàn:
– Nhưng đó chỉ là cháu nghe trong mơ còn sự thật ngoài đời thì làm gì có chuyện ấy!
Bà Nhàn im lặng một lúc lâu rồi gật gù:
– Phải. Không có chuyện ấy đâu!
Trường hỏi thêm:
– Cô ta tên gì vậy bác?
Bà Nhàn nói mà không ngẩng mặt lên:
– Diễm Hương.
Tự nhiên Trường xuýt xoa:
– Cái tên thật đẹp mà người lại vắn số.
Giọng bà Nhàn như đang khóc:
– Nó chết cách đây đã ba năm, khi ấy đang ở độ tuổi như con Thiên Băng.
– Giá mà cô ta còn sống thì Thiên Băng có người chị sẽ không cảm thấy đơn độc.
Nhưng bà Nhàn lắc đầu:
– Hai đứa không hợp nhau. Cứ gặp mặt là gây gổ suốt cả ngày.
Trường cố thốt lên câu an ủi:
– Chắc vì thế mà ông trời đã cách ly không để cả hai cùng sống chung một nhà. Cháu xin lỗi đã làm bác buồn.
Bà Nhàn không chú ý đến lời Trường mà đang mải chìm đắm vào những sự kiện tưởng chừng đã lãng quên. Phải, cách đây ba năm trong ngôi nhà này còn có thêm một đứa con gái nữa. Nó là con riêng của chồng bà với người vợ trước, mà khi vừa lấy ông bà đã phải đảm đương vai trò làm mẹ rồi. Diễm Hương là đứa con gái yếu đuối, bệnh họan từ nhỏ nên về làm mẹ nó bà rất cực. Tuy nhiên, ngược lại bà đã có được cuộc sống sung túc bởi gia sản của chồng bà là do ông bà ngoại của Diễm Hương để lại vì thương đứa cháu mồ côi. Lúc đầu chưa sinh được Thiên Băng, bà Nhàn cũng rất yêu quý Diễm Hương coi nó như con ruột.
Nhưng khi có được đứa con gái do chính mình sinh ra thì tình thương của bà đã dồn hết cho Thiên Băng. Dù không ghét bỏ Diễm Hương, song mọi thứ đứa con riêng của chồng đều phải chịu thua thiệt. Điều này chồng bà Nhàn đã thấy rõ khi nhìn Thiên Băng càng lớn, càng lộ ra bản chất ăn hiếp chị. Mà Diễm Hương thì lại quá hiền lành luôn luôn nhường nhịn em.
Trong một tai nạn giao thông, trước khi mất ông đã bắt bà thề thốt là chăm sóc và sẽ chia cho Diễm Hương phân nửa tài sản khi nó lớn lên lập gia đình.
Nhưng chỉ sau khi chồng bà chết một năm, thì Diễm Hương cũng giã từ cuộc sống để lại tất cả mọi thứ mà người chết không thể mang đi được. Vì lý do như vậy? Ôi ... bà không dám nhớ tới nữa. Bởi vì nhớ thì cuộc sống của bà sẽ không được yên ổn. Bà sẽ phải vật lộn với những cơn khủng hoảng ghê gớm dù tất cả mọi vấn đề xảy ra đều không hề có sự chỉ định nào. Bà Nhàn lãng chuyện bằng một nụ cười gượng gạo:
– Cháu biết như thế đủ rồi chứ!
Trường không có lý do nào để hỏi thêm nên đành chấm dứt tại đây:
– Vâng ạ.
Bà Nhàn nhìn tấm hình rồi yêu cầu:
– Cháu nên đưa cho bác giữ kẻo con Thiên Băng nhìn thấy nó xé bỏ thì tội nghiệp cho Diễm Hương.
Thêm một lần nữa Trường phải ngoan ngoãn nghe lời dù thật lòng anh rất muốn giữ tấm hình của cô gái. Bởi vì trong đầu Trường gợi lên nhiều thắc mắc, nhất là thái độ luôn biến đổi của bà Nhàn đã nói cho anh biết câu chuyện về Diễm Hương không ít ỏi thế đâu. Cô ta chết bệnh như bà Nhàn kể hay chết oan ức tức tưởi như hồn ma trong giấc mơ đã than vãn? Trường thấy chung quanh anh là những bức màn bí mật, song muốn khám phá ra sự thật của nó thì cần phải có thời gian. Nhưng liệu Trường có can đảm để bới lông tìm vết không?
Mà cô gái ấy đâu có liên can gì thân thiết khiến anh phải bận lòng nghĩ đến chứ.
Việc được giúp đỡ trong kỳ thi thì có gì là to tát, chẳng lẽ nó lại ngang cơ với việc giúp đỡ bác Nhàn để bắt Trường phải lựa chọn và so sánh hay sao? Không, Trường không muốn phụ lòng bác Nhàn đâu. Dù sao thì con người thật cũng phải hơn một hồn ma nhiều chứ. Nghĩ thế, Trường tạm vơi đi sự áy náy khi bà Nhàn cầm tấm hình trở lên phòng. Anh ngồi lại ăn thêm một vài miếng trái cây và đọc lướt tờ báo để sẵn trên mặt kính. Bỗng Thiên Băng từ trên lầu đi xuống, trông cô đã diện sẵn sàng như có việc đi ra khỏi nhà:
– Anh Trường ... chiều nay em bận đi dự sinh nhật bạn, anh hoãn giờ học vào ngày mai nghe.
Trường ngồi thẳng người lên nhìn Thiên Băng:
– Tôi sẽ chờ cô dự sinh nhật bạn xong về bắt đầu học cũng được. Bài vở hôm nay chớ để ngày mai.
Nghe thấy vậy Thiên Băng xụ mặt lại:
– Sao lúc nào anh cũng hãm tài quá. Bộ không nhìn vào chữ anh không sống được sao?
Trường buộc phải đối đáp lại cô gái gàn dở này:
– Thiên Băng nên cám ơn sự nhiệt tình của tôi thay vì nói câu nặng nề đó!
Thay vì ngượng, Thiên Băng lại cười:
– Ồ, còn phải thế cơ à. Vậy thì anh hãy đợi đấy nhé!
Nói rồi Thiên Băng lại chỗ chiếc xe ngồi lên dáng thật oai. Cô nàng khẽ nhờ vả:
– Phiền anh mở cửa giùm!
Rất bất bình nhưng Trường không thể làm gì khác hơn. Anh đứng dậy đẩy cánh cửa mở toang cho Thiên Băng chạy xe ra sân rồi lại tiến về phía cổng mở khóa. Từ đằng sau chạy lướt qua Trường, cô nàng còn để lại cho anh những tiếng cười nghe rất chói tai và dị hợm.
Chương 16
Dù muốn, dù không sáng nay thằng Toàn cũng phải trở về quê. Nó được bà Nhàn đãi bữa điểm tâm thật hậu hĩnh trước khi rời thành phố.
– Ăn đi cháu! Bánh mì và đùi gà rán mua tận trong nhà hàng lận đó! Còn nóng lắm, nhưng ăn thế mới ngon.
Lần đầu tiên được thưởng thức món này thằng Toàn thấy khoái khẩu ghê. Nó thầm nghĩ sau chuyến này trở về sẽ có vô khối chuyện để kể lại với bạn bè, nhất là con Mai, con Dung hẳn tụi nó sẽ nhóng tai lên nghe rồi thèm muốn được đi chơi một chuyến. Miếng bánh mì Sandwich chui tọt vào bụng thằng Toàn rồi tiếp đến là cái đùi gà rán thơm giòn và béo ngậy. Ôi, ngon quá ... ở nhà quê nếu có điều kiện cũng chẳng chế biến ngon được như thế này. Chuyến du lịch của thằng Toàn quả là thú vị vô cùng. Nó được biết vài chỗ vui chơi, được thưởng thức một số món ngon vật lạ, được leo lên leo xuống cầu thang trong ngôi nhà đẹp đẽ của bác Nhàn và tắm bằng vòi hoa sen có nước nóng, lạnh tùy nghi. Thật là sướng ghê, thằng Toàn tưởng tượng đến cái ngày nó lên thành phố học đại học như anh. Nó cũng đến ở trọ nhà bác Nhàn và được hưởng chế độ ưu đãi như thế.
– Toàn, ăn mau rồi còn chuẩn bị ra bến xe nữa chứ.
Nghe anh hối thúc thằng Toàn cắm cúi gặm tiếp cái đùi gà đang ăn dở. Nó luôn được bà Nhàn bào chữa:
– Còn sớm mà Trường. Cứ để em nó ăn thong thả, từ từ.
Thấy thằng Toàn đã chùi miệng, bà Nhàn đưa ra một cái gói đặt vào tay nó nói:
– Bác mua cho cháu một bộ đồ mới đây, hãy mặc vào mà về.
Trong lúc thằng Toàn thích rơn người cám ơn bà Nhàn rối rít thì Trường lại tỏ ra khó nghĩ:
– Bác tốn hao vì tụi cháu nhiều quá. Ơn này biết chừng nào tụi cháu mới trả được đây.
Nhưng bà Nhàn đã phẩy tay:
– Không được nói điều đó với bác thêm lần nữa nghe chưa. Bác làm tất cả mọi việc vì bản thân bác thấy cần làm chứ không phải vì các cháụ .... Dường như bà Nhàn muốn Trường hiểu rằng bà đang làm việc từ thiện chứ không phải xuất phát từ tình cảm riêng tư. Nhận định được điều đó, Trường càng thêm mặc cảm bởi anh biết mình đang hưởng sự bố thí của người ta. Anh nhìn bà Nhàn tiếp tục đưa một giỏ quà đã chuẩn bị cho thằng Toàn đưa về quê mà nghe lòng nhoi nhói:
– Còn cái này thì cho bác gửi về cho má cháu. Tội nghiệp má cháu và bác bằng tuổi nhau nhưng trông má cháu già hơn nhiều.
Trường cười gượng phân bua:
– Thì bác cũng biết đời sống ở nhà quê mà. Người nghèo thì lúc nào cũng lam lũ thiếu thốn cả.
Bà Nhàn lộ ra mặt sự thương xót:
– Có dịp bác sẽ kéo má cháu về thành phố sống cho đỡ cực hơn.
Trường đỡ lời:
– Má cháu không chịu bỏ quê đâu. Hơn nữa làm ruộng quen rồi, về thành phố sẽ bị thất nghiệp mất.
Bà Nhàn cười vui hơn bao giờ hết, có lẽ bà đang muốn trút hết mọi ưu tư đang trĩu nặng trong lòng về câu chuyện đứa con riêng của chồng bà.
Tám giờ Trường chở thằng Toàn ra bến xe để nó về quê. Trên đường đi, nó luôn miệng khen bà Nhàn tốt song lại cảnh tỉnh anh về chuyện tình cảm riêng tư:
– Anh Trường nè, anh nên hạn chế để Thiên Băng vô phòng nghen. Con trai với con gái mà tiếp xúc riêng như vậy dễ gây phiền phức lắm! Mắc công má phải bế cháu nội trước khi cưới thì thiệt kỳ.
Từ phía trước Trường đỏ bừng mặt, anh muốn quay lại tát vào miệng thằng Toàn một cái cho nó bỏ tật ăn nói lung tung nhưng dòng lưu thông trên đường rất đông khiến anh phải nén lòng. Anh chỉ có thể mắng nó bằng lời:
– Mày không phải dạy khôn tao đâu, Toàn. Tao tự biết giữ thân tao trước sự cám dỗ của kẻ khác.
Ngồi đằng sau, thằng Toàn vẫn dí dỏm:
– Chỉ sợ anh đi ngủ không chịu đóng cửa phòng mà thôi.
Bến xe đã hiện ra trước mặt nên Trường phải tạm gác sự bực bội để dặn dò thằng Toàn. Tuy nhiên anh cũng không quên răn đe nó:
– Ông tướng về nhà làm ơn đừng có nói năng bậy bạ. Mày mà để má lo lắng thì tao sẽ không cho mày có dịp lên thành phố nữa đâu.
Thằng Toàn vội hứa:
– Em đâu có dại gì mà làm cho má buồn lòng chứ. Nếu có chuyện gì thì hai anh em mình giải quyết từ từ thôi.
Thả thằng Toàn xuống địa điểm đón xe. Trường cốc cho nó một cái để trút cơn dồn nén:
– Mày là cha tao chắc. Nay mai nhập học rồi hãy lo cái thân của mày kìa!
Tỏ ra rất tự tin sức mình, thằng Toàn cười phơi phới.
– Khỏi cần anh phải nhắc. Chuyến này về trường có bao nhiêu bằng khen em lãnh hết cho coi.
Đang tức, Trường cũng phải bật cười:
– Cầu mong cho câu nói của mày trở thành sự thật để tao được hưởng lây một chút thơm.
Thằng Toàn toan ti toe thêm một vài câu nữa với anh thì nó đã bị Trường đẩy lưng:
– Có xe đến rồi kìa. Về đường cẩn thận nha ông tướng!
Phụ với anh lơ mang các thứ lên xe, thằng Toàn không quên vẫy tay lại với anh:
– Em về đây.
Trường nói với:
– Nhớ chăm sóc má nghe chưa!
Không kịp nhìn cái gật đầu của thằng Toàn vì xe đã lao nhanh, Trường đứng tần ngần một lúc rồi quay về nhà bác Nhàn, khi sắp tới nơi anh đã vô ý va quẹt phải một cô gái. Trường vội vàng ngừng lại và hết sức ngỡ ngàng:
– Thì ra ... là ... cô à ...
Cô gái toan cong môi lên mắng anh cũng khựng lại:
– Anh gàn rở trên chuyến xe hôm nọ đây mà.
Trường mỉm cười:
– Ôi ... vòng quay của trái đất sao mà ngắn vậy nhỉ?
Cô gái thu nét mặt lại để nhoẻn miệng cười theo anh:
– Bởi đã bước sang thế kỷ hai mươi mốt rồi nên phải có sự thay đổi chứ.
Trường nhìn cô gái đang dùng tay phủi quần, tỏ thái độ quan tâm:
– Cô có bị sao không?
Cô gái khẽ lắc đầu:
– Hơi ê ẩm một chút thôi.
– Tôi thành thật xin lỗi.
– Thôi khách sáo mà làm gì. Dẫu sao cũng đã một lần quen biết rồi mà.
– À ... cô tên gì? Có thể cho tôi biết để dễ bề xưng hô không?
Nghe Trường hỏi cô gái lộ ra chút e thẹn:
– Tên tôi xấu lắm, chỉ sợ nói ra sẽ làm cho anh cảm thấy tức cười thôi.
Nói thế nhưng cô gái cũng thố lộ:
– Bởi ở nhà quê nên ba má tôi chẳng chọn cho tôi được cái tên đẹp đẽ như người ta. Ba mẹ đặt tên tôi là Nguyễn Thị Đậu Đỏ.
Rồi không để Trường kịp phản ứng, cô ta lại tiếp luôn:
– Mà tôi nghĩ cũng buồn ghê. Đã là ... Đậu Đỏ thì lẽ ra thi phải đậu cao, đằng này lại bị rớt mới quê một cục chứ.
Rất tức cười nhưng Trường phải cố nén để không bị coi là lố bịch vì đã vui trước nỗi buồn của kẻ khác. Anh toan nói ra một câu an ủi thì Đậu Đỏ nhanh miệng hơn:
– Dù sao tôi cũng quyết chí thi vào đại học Y Khoa. Gia đình tôi vừa bán đi một công đất lấy tiền cho tôi ôn luyện. Bởi vậy hôm nay mới có dịp hội ngộ với anh.
Những gì Đậu Đỏ nói Trường cứ tưởng như đùa, anh nhìn cô ta hỏi:
– Thường thì ba môn toán, hóa, sinh của cô có nổi trội lắm không?
Đậu Đỏ thoáng ngập ngừng:
– Ở mức độ trung bình ... nghĩa là . .... – Chẳng khá môn nào cả?
Lớp da mặt Đậu Đỏ nổi lên chút màu hồng, song cô ta đã kịp bào chữa:
– Không khá nên tôi mới phải ôn luyện ba môn ấy! Chỉ tại mấy ông thầy dạy dở nên tôi học khó tiếp thu . .... Trường bỗng đề nghị với cô ta:
– Hay là cô chịu hạ mình làm học trò tôi đi. Tôi hy vọng sẽ có cách hướng dẫn cô học thi tốt.
Ánh mắt Đậu Đỏ có vẻ hơn coi thường anh:
– Vừa mới thi đậu vào trường Sư Phạm anh chưa làm nổi ông thầy đâu. Tôi đã phải tốn tiền cho mỗi khóa ôn luyện là mấy triệu đồng còn chưa đạt kết quả tốt nữa là. .... Chẳng hiểu sao Trường cố năn nỉ:
– Tôi tình nguyện dạy cho cô không lấy đồng nào. Xin thú thật, tôi đã đậu vào ba trường đại học một lúc . .... Đậu Đỏ gần như trợn mắt lên:
– Anh đừng có ba hoa nghen.
Trường thò tay vào chiếc ví luôn đem theo bên mình lấy ra những tờ giấy báo của các trường Đại học chìa ra trước mặt Đậu Đỏ.
– Không tin thì cô hãy xem đi. Chẳng qua tôi chọn ngành sư phạm vì tôi yêu nó.
Đậu Đỏ cầm lấy những tờ giấy xem thật kỹ rồi nhảy tưng tưng ngoài đường làm nhiều cặp mắt phải nhìn:
– Ôi anh cừ đến thế này ư? Giá mà chia sớt cho tôi được thì hay biết mấy nhỉ.
Trường cười khiêm tốn:
– Thằng em tôi cũng từng muốn như vậy.
Thế là chẳng yêu cầu như hồi nãy. Đậu Đỏ bái sư ngay:
– “Thầy” ... “thầy” sẽ dạy học cho em nghe.
Đến phiên Trường bị ngượng:
– Đừng gọi như thế tôi mắc cỡ lắm đấy! Cứ kêu tôi là Trường vì chúng ta ngang tuổi với nhau mà.
Đậu Đỏ tỏ ra thật biết điều:
– Thôi gọi bằng anh đi nghen, chứ kêu tên không đắc tội lắm.
Trường gật đầu:
– Vậy cũng được. Cô ở trọ mãi tận đâu?
Đậu Đỏ xoắn xuýt như thân thiết từ lâu:
– Cách đây hai dãy phố, mời anh Trường tới chơi cho biết chỗ.
Thấy còn sớm lại không bận việc gì nên Trường nhận lời.
– Thế thì cô hãy dẫn đường đi.
Đậu Đỏ vui vẻ ngồi lên xe của mình đạp đi. Chỉ khoảng năm phút sau cô đã đưa Trường tới chỗ trọ của mình là một gian phòng nhỏ thuộc loại rất bình thường dành cho sinh viên thuê. Thấy Trường nhìn dáo dác, Đậu Đỏ bèn cười nói:
– Em chỉ ở một mình chứ không chung chạ với đứa nào, phiền toái lắm. .... Trường ngồi xuống chiếc giường duy nhất ở trong phòng, anh khẽ hỏi:
– Không có bàn, cô phải học ra sao?
– Thì phải quỳ gối dưới đất thôi, còn vở thì kê lên chiếc giường này viết tạm vậy. Anh chưa nếm mùi ở phòng trọ nên chưa biết phải không?
– Phải. Tôi may mắn được ở trọ một nơi khá đầy đủ tiện nghi. - Trường thú nhận.
– Vậy là anh sướng rồi. Chứ phải lâm vào tình cảnh không người thân thích thì trăm đường cơ cực lắm!
– Cô có gì cần giúp, tôi sẽ giúp giùm cho. Hay là tôi sẽ kiếm cho cô một cái bàn nhỏ để ngồi học cho tiện hơn. Chứ ở trong tư thế như cô nói, chắc là cũng khó tiếp thu bài vở lắm.
Đậu Đỏ vỗ tay lên ỏm tỏi:
– Ôi được thế thì còn gì bằng nữa. Nhưng liệu có làm phiền cho anh không?
– Ở nhà bác Nhàn tôi thấy có mấy cái bàn để không. Tôi sẽ xin bác một cái chứ không bỏ tiền ra đâu mà cô sợ.
Đậu Đỏ dễ thương hơn lần đầu tiên Trường gặp rất nhiều lần. Cô rót cho anh một ly nước lọc đun sôi để nguội rồi líu lo trò chuyện mãi đến khi Trường phải nhắc:
– Có cần thử tay nghề “ông thầy giáo nhí” này không?
Đậu Đỏ cũng hóm hỉnh:
– Chắc chắn là phải thử một phen rồi.
Trường hất cằm:
– Muốn thì đưa sách ra đây. Ngày đầu tiên không hiểu cũng sẽ bị phạt quỳ đó!
Đậu Đỏ bưng chồng sách ra ngay:
– Nhất trí, ngược lại trò sẽ đãi thầy một chầu kem, anh Trường không từ chối chứ!
Trường xoa tay gật đầu:
– Được. Cứ thống nhất như vậy đi.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian